Hẳn ai đó sẽ chạnh lòng khi thấy hình ảnh quần áo cũ vứt chỏng trơ, bánh chưng quăng sọt rác. Rồi trách móc bà con miền Trung không biết quý trọng, phụ công người mang tới. Nhưng bà con vứt là đúng. Lấy về không dùng được thì thà vứt đi, không lấy cho rác nhà. Mà đúng nghĩa NÓ LÀ RÁC khi người cho cho một cách vô trách nhiệm.
QUẦN ÁO CŨ
– Đúng là có những hộ bị trôi sạch, đây là những hộ ven sông, nước chảy xiết, sóng vỗ mạnh. Họ cần quần áo thật sự cả trong và sau lũ lụt. Con số những hộ này chiếm tỷ lệ một phần nghìn.
– Một số hộ bị bất ngờ với mức lũ không kịp trở tay, đi vội chưa kịp thu gom nên bị ngập ướt, họ chỉ cần trong mấy ngày bị ngập nặng. Còn nước rút là họ về giặt giũ, phơi phóng được đâu cần mấy nữa.
– Chỉ cần 2 bộ quần áo là họ mặc sạch cả năm chứ đừng nói vài ngày lụt lội, chẳng giặt , chẳng thay cũng chẳng chết ai. Mà có nước tắm giặt đâu mà thay đồ.
– Quần áo cũ mang đến không phân loại, không giặt giũ lại cho khô sạch. Cứ đóng bao mang tới nó vừa hôi vừa không mặc được thì chả vứt đi. Đừng mang rác từ nhà bạn xả sang bà con vùng ngập lụt.
– Cứ đùng đùng quyên góp quần áo, mang theo không liên hệ xem chỗ đó có cần hay không. Có thể chỗ đó ban đầu cần thật sự nhưng đã có người cho, họ đã đủ mặc rồi. Cả chục đoàn vào cho nó thành thừa thãi. Hoặc ngay từ đầu họ đâu cần.
– Nhiều người họ cần thật sự, người cho nghiêm túc với món quà thì sẽ quá ổn phải không? Hãy cho cái người ta cần. Có nhiều túi quần áo thơm tho, được gấp gọn gàng, đóng túi sạch sẽ bà con nhiều nơi còn xin thêm.
– Quần áo ấm cũ sẽ cần hơn vì nó là dạng bông sợi dày, ngâm nước lâu khó giặt dễ hư hỏng.
– Quần áo bà con vùng sâu xa ÍT MUA QUẦN ÁO họ sẽ cần hơn như vùng dân tộc khó khăn , miền núi sâu xa.
– Những nhà dọc sông, sập tường nước cuốn đi sẽ cần một lượng vừa đủ.
BÁNH CHƯNG
Năm nay có thể là lần đầu bánh chưng được tổ chức gói rầm rộ gửi vùng lũ. Trước hết phải ghi nhận và cảm ơn tất cả mọi người.
– Khi bà con không nấu ăn được thì bánh chưng ăn no lâu, đủ chất, đỡ khát nước (so với mỳ tôm sống). Nên chỉ thích hợp bánh chưng khi chưa có điện nước còn ngập. Còn khi nước đã rút, nắng lên thì không nên gửi bánh chưng nữa.
– Muốn gửi bánh chưng phải vận chuyển nhanh nhất để bảo đảm chất lượng khi tới tay bà con. Nhiều nơi ở xa, đi xe tải nóng hư bánh vì khi di chuyển xa bánh bị sóc, lỏng gây hư hỏng nhanh hơn.
– Bánh cần được làm sạch sẽ, cẩn thận, nấu kỹ hút chân không và nên gói trọng lượng nhỏ. Nhiều trường hợp có thể do nấu vội nên bánh không rền, lúc bóc ra bánh cứng không ăn nổi. Đừng từ thiện kiểu bố thí, ban ơn rồi làm màu mè rồi trách móc bà con không nhận quà mình mang đến. Hãy nhìn lại xem mình đã thực sự yêu thương, quan tâm, tìm hiểu những điều thực sự bà con cần mà mình có khả năng làm tốt hay chưa !
“Của cho không bằng cách cho”
P/s: Bài viết là đôi lời chia sẻ ở 1 gốc độ nào đó, mong cả nhà xem hiểu theo hướng khách quan ạ.